Cuộc trao đổi ngoại giao được cho là bắt đầu khoảng một tuần sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 24/6, thời điểm Moscow đưa ra đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Israel và Iran.
Dù không tiết lộ chi tiết cụ thể, bản tin cho biết các quan chức Israel đã chủ động tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho cả hai vấn đề liên quan đến Iran và Syria.
Đồng thời, Israel được cho là đang hướng tới một thỏa thuận rộng hơn với Mỹ về vấn đề Iran, dự kiến sẽ được Thủ tướng Benjamin Netanyahu nêu lên trong cuộc gặp Tổng thống Donald Trump tại Washington vào tuần tới.
Nguồn tin cho biết, Israel mong muốn xây dựng một khuôn khổ hợp tác về Iran tương tự như mô hình đã từng đạt được với Li Băng.
Trước đó, ngày 13/6, Israel đã tiến hành không kích vào lãnh thổ Iran. Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn hôm 24/6, chiến dịch này đã được tạm dừng.
Bộ Ngoại giao Nga khi đó đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, lên án hành động của Israel là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và cảnh báo rằng “mọi hệ lụy từ hành động khiêu khích này sẽ do chính giới lãnh đạo Israel gánh chịu”.
Tuy nhiên, dù tuyên bố gay gắt, Moscow dường như không có động thái nào cho thấy họ sẵn sàng hỗ trợ Tehran vượt ra ngoài phạm vi chính trị, bất chấp giữa hai bên đã ký kết một hiệp ước đối tác chiến lược.
Sau lệnh ngừng bắn, các quan chức Israel cũng đang xúc tiến thảo luận nhằm mở rộng các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ trong khu vực, hay còn gọi là Hiệp định Abraham.
Một số nguồn tin cho biết, các cuộc thương lượng gián tiếp với Syria có thể cũng đang diễn ra trong khuôn khổ chiến lược khu vực rộng hơn này.
Nga từ lâu vẫn duy trì thế cân bằng ngoại giao tại Trung Đông, vừa giữ mối quan hệ hữu hảo với Israel, vừa phát triển liên minh quân sự và kinh tế với Iran.
Tuy nhiên, làn sóng không kích gần đây của Israel vào các mục tiêu quân sự và hạt nhân của Iran - khiến nhiều tướng lĩnh và nhà khoa học cấp cao thiệt mạng - cùng với các đòn đáp trả bằng máy bay không người lái và tên lửa từ phía Tehran đã đặt Moscow vào tình thế ngoại giao khó xử.
Dù vậy, giới quan sát nhận định đây cũng có thể là cơ hội để Nga đóng vai trò trung gian nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Một số nhà phân tích tại Moscow cũng cho rằng, việc dư luận quốc tế đổ dồn sự chú ý vào xung đột giữa Israel và Iran có thể khiến cuộc chiến tại Ukraine phần nào bị lu mờ, qua đó giúp Nga giảm bớt áp lực và làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev.